Bài học rút ra khi đi làm Due Diligence cho doanh nghiệp

Làm Due Diligence sẽ cho ta biết sự khác nhau giữa dòng thu – chi và tình hình lãi lỗ” của doanh nghiệp.

Bài học rút ra khi đi làm Due Diligence cho doanh nghiệp

Làm Due Diligence không chỉ bản thân doanh nghiệp mà ngay cả chúng tôi cũng đều nghiệm ra được những bài học cho riêng mình. Một trong số đó chắc chắn phải nói đến sự khác nhau giữa dòng thu – chi và tình hình lãi lỗ”.

1. Giải thích Due Diligence

Due Diligence (DD) hay hoạt động thẩm tra được hiểu là một cuộc điều tra chi tiết về công ty như tình hình hoạt động, pháp lý, thông tin, báo cáo tài chính…, để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau giữa các bên, ví dụ như phục vụ cho nhu cầu vay vốn, hoặc thường thấy nhất là mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), giúp các bên định giá trị của doanh nghiệp, nhận diện những rủi ro hiện có hoặc tiềm ẩn để có cơ sở đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp.

Due Diligence là một hoạt động vô cùng quan trọng và cần thiết để chủ doanh nghiệp nắm được tình hình thực tế của công ty mình.

2. Kể câu chuyện đi làm Due Diligence

Cách đây mấy năm mình từng đi làm Due Diligence cho một công ty SME ở Việt Nam có chị chủ sống ở Mỹ, có một khách hàng ở Úc muốn mua công ty này. Thế là team mình vô soát xét doanh thu, chi phí, lợi nhuận, tài sản, vốn các kiểu. Khi tập hợp đầy đủ các chứng từ phát sinh, mình tính ra lợi nhuận đúng bằng KHÔNG sau khi trừ lương của chị ấy với mức thấp hơn thị trường.

 Kể câu chuyện đi làm Due Diligence
Kể câu chuyện đi làm Due Diligence

 

Vậy coi như là tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư bằng 0 (lợi nhuận/vốn = 0%), tức là nếu chị ấy bỏ ra 100 đồng để đầu tư thì sau 3 năm vận hành công ty đó, tài sản lúc này vẫn là 100 đồng chứ không tăng lên. (Nếu tính thêm lạm phát nữa là kinh doanh lỗ chứ cũng không phải hòa vốn).

Nếu so với việc mang gửi ngân hàng thì gửi ngân hàng còn thêm được phần lãi suất, lời hơn và nhẹ đầu hơn là vận hành công ty (trừ những trường hợp là vì vui, vì đam mê thì không nói).

Nhưng do đâu mà chị ấy vẫn sống khỏe re vậy? Đó là vì dòng tiền dương, tức là liên tục có khách hàng trả tiền trước và sau đó, lấy tiền đó chi cho các khoảng chi phí như: thuê văn phòng, nhân viên, tiếp khách, hoa hồng, các chi phí khác và tiêu xài cá nhân, cứ gối đầu như vậy, không biết tiền ở đâu, nhưng cứ lấy chi trước đi đã, xong tiền khách khác lại về. Cứ thế, tạo cho chị ấy có cảm giác có vẻ như công ty ăn nên làm ra.

Quả thật chị ấy và cả nhà đầu tư khá shock khi team mình đưa báo cáo ra sau khi Due Diligence, vì kinh doanh mấy năm mà không có lãi. Chị ấy không thể tin nổi, nhưng cũng thấy là có tiền, mà không có dư nhiều để đầu tư mạnh hơn nữa, đủ sống vậy thôi.

Xem thêm: Bài học từ bài toán hạt thóc và bàn cờ 

3. Bài học rút ra từ việc đi làm Due Diligence cho doanh nghiệp

Thực sự thì sau những lần làm Due Diligence cho doanh nghiệp, bản thân mình hay bản thân người đứng đầu doanh nghiệp cũng sẽ tự mình rút ra được rất nhiều bài học quý giá.

Những ai làm kinh doanh nên nhớ rằng nếu báo cáo của doanh nghiệp bạn không có lãi thì rất khó để vay vốn ngân hàng hay gọi vốn từ bên ngoài.

Bài học rút ra từ việc đi làm Due Diligence cho doanh nghiệp
Bài học rút ra từ việc đi làm Due Diligence cho doanh nghiệp

 

Ví dụ cụ thể, bạn mình làm khách sạn, theo thống kê thì tháng 3 ít khách vì vừa tết xong, và có đi thì để cuối tháng 4,5, mấy bạn nhỏ nghỉ học rồi cả nhà sẽ cùng đi. Nên doanh thu khách vào ở tháng 3 thấp là 50 đồng.

Chi phí vận hành gồm có: thuê mặt bằng cố định: 30 đồng, lương nhân viên: 10 đồng, điện nước internet, rác: 5 đồng, vật dụng thay trong phòng, dụng cụ vệ sinh, cây cảnh, bảo trì khuôn viên: 10 đồng, linh tinh khác (thuế, phí đăng ký…): 5 đồng, marketing: 10 đồng. Vậy tổng chi phí một tháng là 70 đồng.

Nhưng do khách sạn của bạn mình rất tốt, có phong cách riêng, nhiều khách quen, hay full phòng nên khách sẽ đặt chuyển cọc trước trong tháng 3 cho kỳ nghỉ tháng 4 hoặc tháng 5. Bạn mình lấy tiền này để chi trả các chi phí trong tháng 4 được liệt kê như trên. Và lúc nào cũng cảm thấy có tiền để đủ chi trả các chi phí dù không nhiều. Tính ra thực tế thì tháng 4 lỗ 20 đồng (doanh thu 50 đồng – chi phí 70 đồng).

Nếu mình không để ý chỗ này thì mình tưởng mình có lời, rất tai hại, khi sự thật là mình lỗ. Mà lỗ kéo dài thì ăn vô tiền vốn ban đầu hoặc bỏ thêm tiền túi ra, sẽ không có tiền để tái đầu tư, trang trí khuôn viên, phòng ốc, thay đổi thiết kế giữ chân khách hàng và cuối cùng là chia lợi nhuận cho cổ đông.

Thế nên, dòng tiền thu – chi và tình hình lãi lỗ là hoàn toàn khác nhau. Chỉ khi làm Due Diligence, doanh nghiệp mới phát hiện ra được những “lỗ hỏng” đang tồn tại trong chính “cơ thể” mình. Vậy nên, chủ doanh nghiệp nên làm báo cáo lãi lỗ mỗi tháng để kiểm soát được tình hình hoạt động kinh doanh của mình.

Báo cáo dòng tiền thu chi để tính trước các khoản sẽ thu được và các chi phí cần chi ra, tránh mất uy tín với đối tác hoặc là mất cơ hội kinh doanh khi không có kế hoạch dòng tiền.

Hi vọng những điều mình chia sẻ sau khi làm Due Diligence sẽ mang đến cho bạn nhiều bài học có giá trị. 

Theo dõi Website để biết thêm nhiều kiến thức hay về kế toán tài chính. Nếu bạn muốn được tư vấn về kế toán tài chính, hãy để lại email hoặc số điện thoại ở phần bình luận bên dưới nhé!